2008 04 17 Trở lại Cali

Publié le par phuong oanh

 

Apr 17, '08 1:42 PM
pour tout le monde
     
   
Nhận lời thầy Nghiêm Phú Phi sẽ sang dự ngày họp mặt của hội Ái Hữu Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon. Tôi trở lại đây lần thứ hai, sau hơn 10 năm xa cách.

Một cảm giác thân thiết khi máy bay đáp xuống phi trường. Khung cảnh thật quen thuộc, trời mát mẻ chứ không nóng bức như ở bên Pháp. Chung quanh tôi, những khuôn mặt Á châu với mắt đen da vàng (có lẽ là người Trung hoa, người Nhựt hay người người Việt ?) nhưng tóc không đen. Tuy không biết họ là ai, nhưng tôi cảm thấy gần gủi vô cùng. Từ nơi phi cơ đậu, theo hành khách đi lần vào trong, tai tôi nghe tiếng Tàu, rồi tiếng Việt phát ra từ máy phóng thanh để chỉ dẫn hành khách đổi chuyến bay đi nơi khác. Tới nơi nhận hành lý, tôi lại có cảm tưởng như mình đang đứng ở chỗ lấy hành lý ở phi trường Tân Sơn Nhất ngày khi tôi rời quê hương trước khi Saigon mất.

Gần 30 năm sống tại Pháp, tôi đã có vài dịp sang Mỹ, lần nào cũng do cha Ngô Duy Linh tổ chức, tạo lớp đàn tranh cho các em thiếu nhi học hè. Khi thì ở Orléans, khi thì ở Arlington -Texas. Những chuyến đi này là do Cha 'bắt' đi , chứ thật tình, tôi chẳng muốn đi  tí nào. Vì mỗi khi đến toà đại xứ Mỹ để xin chiếu khán, đó là cả một cực hình đối với tôi. Trong lòng tôi có cái gì ấm ức, tức tối mà không bộc lộ ra được. Thấy người lính cầm súng đứng gác giữ trật tự qua mỗi cổng, là tôi bực mình. Tự nhiên hình ảnh chiến tranh VN lại nổi dậy trong tôi và cuộc di tản vỉ đại chưa từng có trong lịch sữ nước nhà hiện ra rõ ràng.

Khi tới những tiểu bang đã đón nhận người tị nạn, tôi lại có mặc cảm ăn nhờ ở đậu; rồi thái độ  một số người Việt  lúc đó, kênh kiệu, ra vẻ ta đây, sống như Mỹ, hưởng thụ như Mỹ, mà không nghĩ đến thân phận người di dân, cái thân phận chùm gửi của mình. Tôi rất buồn không thể hoà mình được vì chưa quên được nỗi nhục mất nước.

Mùa hè 93, đi dạy ở Arlington. Trước khi trở về Pháp, tôi có ghé qua quận Cam vài ngày để thăm bè bạn. Khung cảnh lúc đó không giống như bây giờ, như đã nói, cách sống rất Mỹ của người Việt tị nạn lúc bấy giờ đã làm tôi thất vọng. Gia đình không giữ được nề nếp, trẻ con thì không nói tiếng Việt, ăn mặc thì không còn chút gì VN . Trong thời gian lưu lại đây, ra ngoài đường thì không thấy người Mỹ nào, chỉ toàn là người Việt mà thôi. Lúc trở về Pháp, tôi đã nghĩ rằng, nước Mỹ không thể nào lôi cuốn tôi được.

Thời gian trôi, năm nay, nếu không sợ thầy Phi buồn, thì chắc tôi cũng không 'thèm' đi Mỹ ... Hứa với thầy rồi cùng chọn ngày trước cả năm, vậy mà tôi quyết định mua vé chĩ có hai tuần trước khi đi.  Từ Paris, lấy máy bay hảng hàng không Anh Quốc, tôi đã tới Los theo hành trình Paris- Londres- Los Angeles. Chuyến bay thật nhẹ nhàng, tôi có cảm tưởng như thật nhanh, mặc dù ngồi trong máy bay hơn 12giờ bay.

Khi lấy hành lý xong, đang loay hoay tìm đường đi ra, trong bụng cũng hơi lo, không biết Nguyễn Đức Quang có đi đón đúng giờ không? Chung quanh tôi, toàn người da vàng, khi tới cửa ra, phải trình giấy khai đoan, thì thấy thiếu một tờ kê khai tiền bạc ...Nhân viên trực hỏi đến Mỹ làm gì, đi nghỉ hè phải không? Tôi gật đầu đồng ý. Nhờ thế mà êm suôi mọi việc, tôi ra cửa nhanh chóng.

Không thấy Quang đâu, đang loay hoay...người đi đón thật đông.. toàn là người Việt. Nhìn mãi, tìm mãi mới thấy một ông cao cao, mập mập, cười cười, tôi chưa nhận ra, thì Quang đã nhận ra tôi trước.

Quang nói đang tìm xem Phương Oanh ra sao, có chống gậy đi ra không? Té ra, Phương Oanh không giống như Quang tưởng.. Vẫn hình dáng đó, vẫn dí dỏm, nhanh nhẹn, mặc dù tuổi cũng đã tròm trèm 60.

Phần tôi thì cũng hồi hộp không ít, vì lạ nước lạ cái. Nếu Quang không đến thì mình ra sao? Vì tôi để quên...số điện thoại và địa chỉ Quang ở nhà.

Từ phi trường về tới nhà Quang cũng bằng khoảng cách từ Paris về nhà tôi ở Taverny. Mất 40 phút lái xe. Tới nhà, Thông vợ Quang cũng vừa đi làm về và đang chuẩn bị cơm chiều. Quang bắt điện thoại nói chuyện với cháu ngoại làm tôi bật cưòi.
   - Thằng cu có đến ăn cơm với 'ông ngoại' không?

Nghe Quang xưng ông ngoại, tai tôi tưởng nghe nhầm, vì không bao giờ tôi nghĩ bạn mình đã lên chức? Sực nghĩ lại mình con cái cũng đã lớn rồi, mới nhớ là con cái Quang đã trưởng thành từ lâu. Do đó Quang lên chức ông ngoại là đúng rồi.

Cất đồ đạc, ăn cơm tối xong, Hùng, em trai Minh Thông đã đưa tôi đến trình diện thầy cô Nghiêm Phú Phi . Tới nơi, đã thấy, có Trần Lộc (giáo sư vĩ cầm ở Saigon) , Khuê guitar, Hồng giáo sư vĩ cầm ở đây, và vợ chồng anh Trần Kim Quý, có biệt danh là thần Kim Quy bên ngành kịch nghệ. Thầy nói mọi người muốn ăn gì để thầy đi chợ. Tôi ngạc nhiên vì đã 9 giờ tối, chợ nào còn mở cửa để mà mua với bán? Té ra, ở bên này, mọi người muốn ăn, chỉ việc gọi điện thoại đặt món, sau đó đi ra tiệm mà đem về, chả cần nấu nướng gì cả ...Ở xứ tân tiến thật tiện lợi ...

Mới tới, giờ giấc còn đảo lộn, tôi chưa quen, ngôì trên ghế mà cơ thể tôi như đang còn bay bổng trên mây, cảm thấy mệt, tôi đã xin phép ra về, mặc dù thầy cô đã chuẩn bị chỗ ở cho tôi, như đã hẹn trước.

Sáng thứ tư, Quang dắt tôi đi ăn phở gà, tôi ngạc nhiên vì họ không cho gà vào trong tô, mà để trên cái đĩa và một chén nước mắm pha để chấm bên cạnh giống như gà 'luộc' . Quang nói đây là tiệm phở ngon nhất mà cách đây 10 năm, Quang đã đưa tôi đến ăn rồi...

Sau khi ăn, tôi lẽo đẽo theo Quang ra quán cà phê (tôi chẳng nhớ tên)..Vừa ngồi xuống là đã có bè bạn báo chí đến gặp..cười nói vui vẽ...Thật cũng vui, đã từ lâu, tôi mới có dịp được làm em bé đi theo 'ông ngoại'  ăn sáng ở ngoài đường.

Có hai ông, chưa già lắm, từ từ đi tới, à thì ra, anh Ngô Mạnh Thu và Hà Quốc Bảo của tờ báo Người Việt. Hơn 30 năm, tôi mới được gặp lại anh Thu, huynh trưởng Du Ca và cũng là trưởng ban văn nghệ của ban nhạc đài phát thanh mà tôi đã đi hát với anh khi tôi mới 15, 16 tuổi.

Nhắc lại chuyện xưa, tôi không ngờ anh Bảo là người cùng tổ chức với Vũ Thành An đêm văn nghệ tại sân Văn khoa năm 1963, một đêm thật đặc biệt, vì tôi đã hát và tự đệm đàn ghi ta lấy , khán giả đã say mê nghe những làn điệu dân ca lần đầu tiên. Rồi từ đó, phong trao hát dân ca đã lan rộng khắp nơi trong môi trường sinh viên, học sinh tại Saigon. Thời đó, chưa có cô gái nào tự đệm cho mình hát trên sân khấu, nên sự suất hiện của tôi đã làm mọi người ngạc nhiên cùng với những bài hát dân ca...

Ngôì nghe các anh nhắc lại chuyện xưa, cả một trời kỷ niệm sinh hoạt hiện về trong trí tưởng, tôi cũng tự nghĩ 'không hiểu làm sao hồi đó tôi lại tung hoàng được như vậy???


Sau khi cà phê cà pháo xong, Quang đưa tôi đến thăm toà soạn báo Người Việt. Tôi như đứa bé con, được ông ngoại dắt về quê thăm họ hàng. Đến thật bất ngờ không báo trước, tôi lửng thửng đi vào cửa, thấy anh chị Đỗ Quí Toàn, anh chị Đỗ Ngọc Yến, và những người bạn khác, thật vui và thật cảm động, tình cảm bè bạn vẫn dành cho tôi tràn đầy. Điều làm tôi vui nhất là gặp được hai cánh phượng cũ : Minh Phú (Saigon) và Hồng Vân (Paris). Các em ngạc nhiên vì gặp tôi ở đây? Thế là Quang bị thất nghiệp vì tôi đã sang xe ..người khác. Dù vậy, mỗi ngày tôi vẫn gọi Quang và thầy Phi để báo cáo mọi việc...làm gì, ở đâu, để Quang còn phải cho anh Tùng (ông xã tôi) tin tức của vợ mình..
Ngày hôm sau, tôi được chị Quyên dắt đi thăm Lộc Uyễn. Nhìn thấy núi rừng bao la bát ngát. Từ dưới chân núi đi lên tới thiền đường  chính thật xa. Đường đi rộng  với những tàng cây rợp mát, thiền hành như thế quả là tiên rồi . Tôi thầm nghĩ, các vị được tu ở đây quã là hạnh  phúc. Cái nhìn của tôi về Cali bây giờ không giống như 10 năm về trước.

Một Cali hiền hoà, thoát tục. Các bạn tôi, phần lớn đều tu tập, ăn chay, sống đạo rất tận tình. Mỗi người có 'cách tu'  khác nhau, nhưng tựu chung, lối tu nào cũng tạo cho con người nhân ái, hiền hoà...

Có lẽ, nước Mỹ có phước lắm mới đón được người Việt Nam sang tỵ nạn. Và nhờ sang được đây, người Việt đã đem cái tâm tu của mình để chuyễn hoá nước Mỹ. Nhất là đất Cali, chắc có duyên với người Việt, nên hầu như người Việt nào, khi đã tới đây chơi, đều muốn dọn nhà đến ở.

                Thật là :                 Cali trời đất mênh mông
                                     Ai mà đã đến, thì không ...muốn về

Đi thăm nhà các bạn, nhà nào nhà nấy đều trồng cây ăn trái. Đất rộng thì thành vườn thanh long, xá lị, nhãn, hồng. Đất ít thì cũng bưởi bồng, trái treo lủng lẳng trước nhà, sau hè..tòng teng trước mắt.

Ở nhà Quang Thông, phòng tôi ngủ, bên cửa sổ có cây táo tầu rất sai trái, mà tôi không biết. Từ lúc biết rồi thì mỗi sáng, mở mắt ra là tôi đi thăm nó ngay..hái vài trái ăn điểm tâm, rồi sau đó mới làm gì thì làm.Ở Paris thì làm sao mà trồng được, lần đầu tiên tôi mới thấy cây táo này.

Khi Diễm Chi đến thăm, cũng theo tôi ra hái. Trong lúc tôi tìm trái xanh, thì Diễm Chi lại chọn những quả xấu xí sần xùi, về sau tôi mới biết là táo tầu phải chọn quả xấu thì mới ngon...lúc đó thì đã muộn rồi..vì...Diễm Chi đã thu hết...

Suốt mấy ngày liên tiếp, sáng ra, chào bác trai (ba của Thông) xong là tôi chạy mất, nhiều hôm không về nhà, nên mỗi lần gặp, bác hay hỏi 'cháu không biết mệt à ' ? Lúc đó,vừa tới,  quá vui với bè bạn, tôi chỉ cười mà chẳng trả lời, vì có mệt mõi gì đâu? Nhưng từ từ rồi anh hùng cũng thấm mệt. Do đó bác gặp tôi lúc sau này thường xuyên ở nhà hơn. Nhất là hai ngày cuôí cùng tôi đi theo chị Quyên để tập khí công. Thức dậy từ 6giờ sáng, đến phòng tập của Hồng khí Quyền,  thời gian tập 1 giờ rưởi, có lẽ vì chưa biết cách hít thở nên tôi cảm thấy chân tay bắt đầu rung khi tập tới động tác thứ 5 thứ 6 của bài quyền...

Trưa thứ bẩy, các bạn củ làm việc chung ngày trước đến thăm tôi, gặp lại xếp của tôi bácHoàng Đạo Thế Kiệt, Hùng, Trọng, Hồng A, Hồng B cùng các ông xã, Nghiêu, Ruy, Tiến, Đức và vài bạn nữa, nếu Quang không giới thiệu thì tôi không nhìn ra ..

Thật cảm động, Thông đã đi làm cực mà cũng vì bạn, làm món bún chã thật ngon. Lần đầu tiên, tôi ăn thật nhiều vừa thức ăn vừa tình bạn xưa, nên no cả cái bụng và đầy cã trái tim. Gặp nhau rồi mới thấy, ai cũng lên chức chứ không phải một mình Quang, người thì ông ngoại người thì ông nội om xòm...

Cùng lúc hay tin, Hoài, người bạn cũng là chú rễ phụ đám cưới tôi ngày xưa, vừa qua đời cách đây 1 ngày khi tuổi còn quá trẻ, anh mới ngoài 50 và bị đau nằm liệt từ mấy năm qua.

Tôi cũng đưọc anh chị Ruy đưa đi lễ ở nhà thờ gần nhà anh chị. Nhà thờ bên Mỹ cũng to lớn, tôi cảm thấy mình quá bé nhỏ..Thánh lễ cũng khác với Paris, mặc dù cũng bài kinh đó, nhưng diển tiến khác, tôi lại thấy mình không giống ai...Sau thánh lễ, anh chi Ruy đưa tôi tới nhà Hồng A, và Quang sẽ đón tôi tại đây.

Chị Quyên muốn nhìn thấy phương pháp dạy đàn tranh cho người lớn tuổi và cho trẻ em dưới 3 tuổi. Chị xung phong tình nguyện học, cũng như xem tôi dạy bé Trúc. Chị thích lắm và muốn phổ biến rộng rãi việc này đến cho mọi người. Tôi từ chối vì không có nhiều thì giờ.



Một kỷ niệm đẹp nữa là được làm người mẫu cho buổi thực tập chụp hình tại trụ sỡ Người Việt cho các phóng viên báo do một chuyên viên chụp hình được giải 'chụp ảnh đẹp' của Mỹ hướng dẫn.  Nhờ thế mà tôi đã có những tấm hình tự nhiên rất đẹp do các phó nhòm chuyên nghiệp chụp đem về Paris.


Chiều chúa nhựt, ngày họp mặt của hội Ái hữu nhạc viện Saigon, tôi đã gặp lại Thơ, Quỳnh Giao, Mai Hương, Châu, chị Mai, cùng một số giáo sư, bè bạn củ  ở nhạc viện  trước . Thầy cô Phi rất vui, cảm động nhất là khi thắp nhan trước bàn thờ , một tờ giấy trắng đơn sơ, thầy Phi ghi tên những người đã mất, tôi thấy tên Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Viết Vấn, Kim Bản, Thu Vân, Trịnh Chức, Vĩnh Trân, Tuyết Hương, Hồ Tuyết Loan, Phạm Văn Nghi, Hồ Thị Bữu, Đỗ Thế Phiệp, Nguyễn Cầu, Hùng Lân, theo thứ tự các thầy cô nghành Quốc nhạc, Tây Phương, Kịch nghệ, kẻ trước người sau, lần lượt theo nhau ... và mới đây nhất là thầy Phạm Gia Nhiêu.

Lòng tôi bồi hồi, nếu thầy Phi không lập hội Ái Hữu, thì không bao giờ chúng tôi mới có dịp để cùng đến với nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, cũng như nhắc nhở đến những thầy cô còn đang sống khó khăn nơi quê nhà ...tôi thầm nghĩ, sẽ có một ngày, Paris sẽ được đón các bạn từ khắp nơi tới...Vì bên Âu châu cũng có các thầy cô khác và bè bạn của nhạc viện.

Tối thứ hai, trước khi đi Monteray Park. Gia đình Quang đãcdắt tôi đi ăn tiệm Nhật. Nhìn thức ăn bày la liệt trên trên các quầy hàng, tôi chới với vì không biết chọn món nào. Thông nói cứ từ từ chọn cái gì thích thì ăn, tùy theo cái bụng. Tôi không ăn nhiều do đó, thật là phí cả tiền. Thôi thì phải ăn cho đáng tiền của bạn. Tôi chọn món cá sống, món tôm lăn bột chiên, cua rang và vài món đặc biệt khác của Nhật., Bên Pháp cũng có tiệm Nhật, nhưng không như bên này, Phải nói xứ Mỹ to lớn nên cái gì của Mỹ làm cũng to lớn, trẻ con Việt Nam sinh bên Mỹ cũng to lớn luôn. Cháu nội anh Ruy vừa 4 tuổi mà dáng dấp như đứa trẻ lên 6, lên 8 bên Pháp. Hỏi các bạn nuôi con bằng gì, thì anh chị cười nói chúng uống nhiều coca..

Sau ăn tôi, anh Thu đã hẹn đưa tôi đến Thiền thất Sùng Chính của các sư cô. Một cuộc viếng thăm bất ngờ. Tôi không kịp chuẩn bị, nhất là buổi tối như thế này, tôi rất ngại. Mình chưa quen, vã lại đã hẹn với chị Thân lại sợ chị Thân chờ... Định bụng vào thăm một chút thôi. , Nhưng đến thì dể, đi thì khó vì các sư cô đã chuẩn bị thiền trà cho khách đến từ xa, vợ chồng Diễm Chi đã lái xe từ Texas tới và còn nhiều bạn khác nữa...

Rốt cuộc rồi tôi cũng được 'tự do'. Cô con gái út anh Thu đã đưa tôi đến chị Thân...Ngồi trên xe, tôi như người say rượu, ngất ngư vì quá mệt bởi ham vui với bè bạn nhất là thời gian để cho quen giờ giấc quá ít ỏi...

Đến nhà chị Thân thì cũng quá khuya, phải đi ngủ ngay, ngày mai mới nói chuyện...
Sáng hôm sau, tôi chức dậy trong tiếng chim hót, nắng dọi vào phòng, tôi bước ra hiên, nhìn lên vườn đồi nhà có nhiều cây ăn trái và hoa. Nhà chị Thân rất đặc biệt, cất theo sườn đồi, do đó các phòng không có thẳng lối như những căn nhà bình thường. Trước khi sang vườn, phải đi qua cây cầu bắt ngang hồ cá Koi thật đẹp mắt. Khi đi theo chị thăm thú cây cảnh, tôi thấy tôi như là chú tiểu trong chuyện Thoát tục của Khái Hưng ...



Lên đến căn nhà mát cất bên cạnh cây bưởi, ngồi trên cái võng mắc tòng teng, đong đưa, tôi  nhìn lên là một dàn thanh long, quỳnh, lan đũ màu, đủ loại, tôi cứ ngẩn ngơ vì công trình chăm sóc vườn tược của chị. ..

Phòng khách và hành lang, cách nhau bằng bức tường kiếng trong suốt, cho ta cái trong sáng của thiên nhiên, nếu thích rộng thì mở kiếng ra, nếu thì yên thì kéo cửa lại...chỉ thế thôi.Chị hỏi muốn đi chơi đâu không, tôi nói là ở đây với chị là thần tiên rồi,  không cần đi đâu cả. Hai chị em bên nhau suốt một ngày, tôi lại rủ chị tập đàn tranh theo phong cách ứng tác ứng tấu...  Chị nói đã lâu rôì , chị không đàn. Nhưng qua cách hướng dẫn, tiếng đàn chị thoát ra vẫn ngọt ngào, dịu dàng. Chị nói có thể là tình cảm của tôi đã cho nên chị có tiếng đàn êm ái này...
 
Chị đưa tôi ra phi truờng Los Angeles lúc 20giờ, hẹn sẽ gặp lại nhau ở Paris, khi có dịp...

Em phải cám ơn Thầy Nghiêm Phú Phi đã 'bắt' em sang dự họp mặt hội Ái hữu. Nên mới có dịp để gặp lại bè bạn.

Trên máy bay trở lại Pháp, tôi đã cố ru giấc ngủ, thời gian qua ở đây, nhịp sống của tôi thay đổi quá vì bè bạn...tôi đang sống trong mơ..

Trong giấc ngủ, tôi đã bắt đầu nghĩ tới công việc, vì biết rằng về tới nhà, công chuyện lại đầy ấp, tựu trường, trình diễn, hội họp, chuẫn bị trình diễn cho năm, nhất là giữa tháng 9, Phượng Ca đi diễn cho hội Y sĩ Hoà Lan ở Amsterdam gây quỹ làm việc cho Việt Nam.

Bao nhiêu dự án cứ quay mòng mòng trong đầu. Tôi cảm thấy mệt nhoài vì tính ham hoạt động của mình mà quên mất lời 'ông ngoại' dặn :
          -  thôi nhé, lớn rồi, không được làm tùm lum, phải nghĩ đến sức khoẻ, kỳ sau có   
             sang, tôi không cho chạy nhảy nhiều như thế ...

Tôi cười cười trả lời :
          - dạ, cám ơn ông ngoại.
                                                                        Phương Oanh
                                                                    Paris, đầu thu 2003    

1 commentaire

tnbau

tnbau wrote on Apr 20, '08
Oanh ơi, Oanh viết hay quá!... Mình bận việc tùm lum, lại ít đọc thư từ bài vở vì cái đầu lúc này mệt mỏi rồi. Nay mới lò dò đọc bài này của Oanh. Sao thấy dễ thương quá! Oanh viết nhiều, nên lưu loát, ngọt ngào, đầy chất người và tình thân. Mình gặp lại vài gương mặt quen, như NĐQuang, NMThu và chị Thân (cả hai người này đã lià đời rồi!!!). Mình cũng nhớ lại chút chút Quận Cam (với cam quít đầy vườn) mà mình đã thăm lại năm 2006. Cám ơn Oanh nhiều. Còn phải cám ơn Oanh đã nhớ mà mở cho mình cái Ngọc Báu's site... Cám ơn Oanh đã dành hết thời giờ và cuộc sống cho nghệ thuật và cho bạn bè năm châu bốn bể! Có ai giống được như Oanh đâu, Oanh hả!!! Chào thân ái. Báu.

Publié dans Tiêng Viêt

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article