2008 12 18 Đi xem đêm văn nghệ Phong Châu Mở Hội

Publié le par phuong oanh

Dec 18, '08 12:26 AM
pour tout le monde

cám ơn Liên đã gửi bài viết của báo Người Việt online
xin phép được để vào đây cho bè bạn khác được đọc chung.
PO.

Tuesday, September 30, 2008


medium_NVHN-081001-PhongChau 1.jpg

Một cảnh trong hoạt cảnh “Phong Châu Mở Hội”.

medium_NVHN-081001-PhongChau 2.jpg

“Cô Ðôi Thượng Ngàn” về nhập “Cô Ðồng Michelle” của đoàn vũ Lạc Hồng trong màn Lên Ðồng.


 

Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt

 

Suốt hơn ba tiếng đồng hồ thưởng thức chương trình văn nghệ “Phong Châu mở Hội” do Nga Mi và Trần Lãng Minh tổ chức tại Rose Center Theatre vào tối hôm Thứ Bẩy 27 Tháng Chín vừa qua, 500 đồng hương khán thính giả đã được đưa về thăm lại quê hương với những tình tiết làm ngạc nhiên không ít mọi lứa tuổi.

Mở màn ra là cặp MC Mai Khanh và Nguyễn Ðức Cường đã nhắc nhở đến cái chủ đề của buổi văn nghệ độc đáo này, chủ đề “Phong Châu Mở Hội”.

Nói đến Phong Châu là người Việt nào cũng liên tưởng ngay đến câu thơ trong lịch sử “Bà Trưng quê ở châu Phong, giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”. Ðất Phong Châu, nay là tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt Nam, theo sử sách ghi lại là nơi tộc Lạc Việt mở nước. Dã sử Việt Nam kể rằng “Con trưởng Lạc Long Quân làm vua nước Văn Lang, hiệu là Hùng Vương truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương và đóng đô ở Phong Châu”. Ngày nay tại huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ trên núi Hùng Lĩnh còn rất nhiều di tích của lăng Hùng Vương. Người dân Việt trong và ngoài nước cứ đến ngày 10 Tháng Ba Âm lịch lại tổ chức ngày Giỗ Tổ linh đình.

Từ đất Phong Châu, tộc Lạc Việt đã mở rộng ra khắp bốn phương, từ Ðồng Bằng Sông Hồng cho đến các miền núi non chập chùng của những dẫy núi hình nan quạt có đỉnh cao nhất là rặng Fan-si-păng rồi tiến xuống phía Nam để gần 5,000 năm sau trở thành một nước Việt Nam hình chữ S kiêu hùng đứng cạnh một đất nước lớn chiếm một phần lớn Châu Á là Trung Quốc mà không thời nào từ bỏ mộng xâm lăng các lân bang.

Ðất nước ấy, dân tộc Lạc Việt ấy qua sự trường tồn của mình đã có một đời sống tinh thần, một nền văn hiến rõ rệt. Nên mở ra hội Phong Châu, hai nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh và gần cả trăm văn nghệ sĩ cộng tác đã nhắc nhở lại cho chúng ta không quên được nguồn gốc và nhớ ra rằng chúng ta phải nối tiếp được sự nghiệp của ông cha.

Quả thật, qua suốt 17 tiết mục thi ca vũ nhạc, chương trình “Phong Châu Mở Hội” đã đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ cảnh trí hùng tráng qua cách bài trí giản dị nhưng đầy những biểu tượng trên sân khấu đến những phong cách thể hiện tân cổ không phải giao duyên gượng ép mà là sự đan xuyên tài tình giữa tứ thơ và ý nhạc. Ðôi nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh đã làm cho người nghe gợn hồn khi những dòng thơ “Gửi Người Dưới Mộ” của thi sĩ Ðinh Hùng đan xuyên trong ý nhạc “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy. Ðôi nghệ sĩ này hát lên đã như gieo rắc cái vất vưởng đâu đó của tình yêu còn dằng dặc nơi người tình si gửi đến người tình đã như sương như khói.

Những tiết mục tình ca tân hay cổ vào đầu chương trình kể như chỉ là “bốn món ăn chơi” trước khi khán thính giả được mời vào dự một bữa tiệc thịnh soạn. Khi đến mục “Hát Ả Ðào” người nghe thầm bàn tán “đã bước vào khối tình quê hương rồi đây”.

Ðiều rất thích thú cho giới trẻ đến thưởng thức là những người dẫn chương trình, đặc biệt là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bảo, trong mỗi tiết mục độc đáo của ca nhạc cổ truyền dân tộc, ông lại có những lời giải thích về nguyên do hình thành thể loại này.

Như tiết mục “Hát Xẩm” thì ngày nay gần như thất truyền. Dựng lại hoạt cảnh này, chương trình văn nghệ “Phong Châu Mở Hội” đã làm sống lại được một nghệ thuật đã rất phổ biến trong dân gian vào thế kỷ trước. Theo MC Nguyễn Ngọc Bảo thì “Hát Xẩm” khởi sinh từ thời chúa Trịnh, nhân khi chúa Trịnh Sâm đi thăm dân gặp một cô gái cắt cỏ tay cầm liềm mà hát lên một câu thơ có khẩu khí anh hùng rất hay nên đã mời về Phủ Chúa cho ca hát. Từ đó trong dân gian những người đi ăn xin, thường là người mù lòa mới theo lối hát này để sinh nhai. MC Nguyễn Ngọc Bảo cũng kể một câu chuyện khác về “Hát Xẩm” vào thời Pháp cai trị, nhà tư bản Bạch Thái Bưởi bị bọn tư bản Trung Hoa cạnh tranh khai thác đường thủy ở Bắc Hà, ông đã dùng các đoàn “Hát Xẩm” trên các chuyến tầu thủy để mua vui cho khách nên đã phá được sự cạnh tranh hạ giá liên tục của bọn tư bản Trung Hoa muốn độc quyền khai thác ngành đường thủy.

Lại như “Dân Ca Quan Họ” thì theo tục truyền là do một vị quan tên Hiếu Trung Hầu đặt ra để mua vui lúc tuổi già. Nhưng vì là một lối hát đối đáp giữa hai bên nam nữ nên trai gái tham gia đã nhanh chóng biến thành lối hát “huê tình” để khen ngợi nhau, tỏ tình với nhau bằng những câu hát bình dân nhưng rất văn chương, bóng bẩy có khi lại thắm thiết nồng nàn. Tuy nhiên theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bảo thì hát quan họ với nhau có một cái luật bất thành văn là cho dù có tình tứ lả lơi trong khi hát đối đáp, trai gái “liền anh, liền chị” không bao giờ được phép kết hôn với nhau. Và luật bất thành văn này được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ðến ca trù, vốn là “thú phong lưu” của những “tao nhân mặc khách”, những nhân sĩ trí thức đã chán chường công danh mà lấy thú vui thưởng hoa vịnh nguyệt làm lẽ sống khi “nợ tang bồng” đã “trang trắng vỗ tay reo” như Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát thì lối hát, ngâm vịnh lại có một phong cách khác.

Theo MC Nguyễn Ngọc Bảo thì ca trù là lối hát ngâm vịnh của các nàng ca kỹ phục vụ cho tao nhân mặc khách gồm có một người đàn nguyệt, một cái trống chầu cho “quan viên” và một sênh phách cho ca kỹ. Ca kỹ thường là một cô gái phải có giọng ca ngâm thật hay và chỉ ca ngâm trong suốt cuộc chơi. Sau này, thú chơi này bị tục hóa dần dần khi các quan viên muốn thưởng thức thêm tiệc rượu bên cạnh thú ngâm vịnh. Do đó mới nẩy sinh thêm loại đào mới gọi là “đào rượu” để phân biệt với “đào hát”.

Màn ca trù gọi nôm là hát Ả Ðào trong chương trình “Phong Châu Mở Hội” với bài “Giai Nhân Nan Tái Ðắc” (Người đẹp khó gặp lại) của Nguyễn Công Trứ, một bài Hát Nói nổi tiếng của ông, được Nga Mi và Trần Lãng Minh và các nghệ sĩ cùng đoàn vũ Lạc Hồng phụ diễn đã cho khán thính giả thấy được những vẻ đẹp của thú vui thanh tú này. Tiếng trống chầu “tom, chát” bật lên đôi lúc trên tiếng sênh, tiếng phách cho người ca kỹ hiểu rằng sự thể hiện tiếng hát của mình đã đúng với tâm sự của người thưởng ngoạn. Tiếng đàn khi trầm khi bổng, tiếng hát khi trong khi đục chính là những dòng tâm sự của các nhà thơ đã ẩn dụ trong những bài hát nói cho ca trù.

Qua những tiết mục trên, khán thính giả có thể nhận ra được cái phong cách thể hiện cuộc sống tâm tình của dân gian trong cuộc sống thường ngày cũng như của giới sĩ phu khi đã hoàn tất được bổn phận với vua với nước.

Ðến tiết mục chính trong chương trình “Phong Châu Mở Hội” đã mở đầu cho phần II của đêm văn nghệ truyền thống này. Nghệ sĩ Trần Lãng Minh cho biết: “Sở dĩ không để tiết mục này lên đầu vào lúc khai hội là bởi vì vào lúc này thì không khí của hội trường mới ổn định để chúng ta có được một không gian và thời gian thích hợp mà nhớ về Cội Nguồn”.

“Phong Châu Mở Hội” là một hoạt cảnh hùng tráng đầy mầu sắc. Ba mươi diễn viên gồm Nga Mi, Trần Lãng Minh và các vũ công xinh đẹp tươi trẻ trong vũ đoàn Lạc Hồng dưới sự dàn dựng của vũ sư Vũ Ðình Luân đã thể hiện khá rõ nét thời gian cha ông ta dựng nước. Mở ra “hội” này, nghệ sĩ Trần Lãng Minh đã thưa với khán thính giả rằng: “Xin được trao truyền kho tàng văn hóa của dân tộc trong khả năng và sự cố gắng của mọi người đóng góp trong chương trình này”.

Một tiết mục mà nhiều người chờ đón là tiết mục trình diễn đàn đá của nghệ sĩ kiêm nhà sưu khảo Vũ Hồng Thịnh từ San Jose xuống. Hơn một chục phiến đá có âm thanh khác nhau được sắp trên một giàn khung gỗ trên sân khấu bỗng chốc phát lên đủ mọi làn điệu trong ngũ âm rồi thất âm dưới sự trình bày của nghệ sĩ Vũ Hồng Thịnh, đã làm cho nhiều người thích thú vô cùng. Ðể thỏa sự tò mò cũng như thắc mắc “sỏi đá cũng thành âm”, sau khi trình bày xong, nghệ sĩ Vũ Hồng Thịnh đã mời một số khán thính giả lên tận chỗ xem xét có thật là đá hay không. Theo những nhà khảo cổ học, đàn đá là phương tiện giải trí, nơi thể hiện cuộc sống tình cảm con người đã có từ trên 3,500 năm nay. Ðàn đá được tìm thấy phần nhiều tại các miền cao nguyên nơi sinh sống của các dân tộc ít người. Theo Vũ Hồng Thịnh thì bộ đàn đá này được tìm thấy tại Ðắc Lắc vào năm 1949 gồm có 11 thanh đá, kích thước từ 0.6 mét đến 1 mét do từ loại đá nham thạch có độ tuổi từ 2,500 năm đến 3,000 năm. Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc Việt Nam nay đã tìm ra được 30 bộ. Theo viện cho biết thì dân tộc Việt Nam có 6 thứ nhạc khí không thấy nước nào có hoặc có rất ít. Ðó là đàn đá, chiêng, cồng, trống đồng, đàn đáy và đàn bầu.

Trình bày loại nhạc khí này cũng là trình bày đến nét văn hiến của dân tộc Việt Nam, khối dân tộc ít người. Ai cũng biết rằng nhân loại đã từng trải qua nhiều thới kỳ từ thời ăn lông ở lỗ đền thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt... thì người dân tộc thiểu số Lạc Việt đã biết dùng đá không chỉ là vật dụng để mưu sinh mà còn là phương tiện để thể hiện đời sống tinh thần nữa.

Nhưng có lẽ tiết mục “Hát Chầu Văn” tức là “Lên Ðồng” vào những phút cuối cùng của chương trình đã làm mọi khán thính giả thỏa mãn nhất. Thỏa mãn là vì được nghe nói đến nhiều nhưng lại ít khi được thưởng ngoạn. Thỏa mãn cũng là vì có nghe nói rằng Bác Sĩ Freud, nhà tâm sinh lý học nổi tiếng thế giới, cũng có lần giải thích hiện tượng “lên đồng” của người Việt và cho rằng đó là sự giải tỏa những ẩn ức sinh lý cho người phụ nữ phải sống trong một xã hội bị gò nén trong phong tục và đạo đức.

Thành công của màn Hát Chầu Văn này, ngoài các nghệ sĩ ngồi “Hầu bóng” và “cung văn” ra thì vũ công Michelle trong đoàn vũ Lạc Hồng đã thể hiện khá đúng cách của các bà, các cô đồng trong những màn Thánh Cô, Thánh cậu, Tứ Phủ xuất hiện hát múa, ban phát lộc cho thiện nam tín nữ.

Hơn ba tiếng đồng hồ khán giả đã miệt mài dõi theo từng tiết mục. Cho đến khi kết thúc, hội trường vẫn còn kín ghế. Ðêm mở hội Phong Châu của Nga Mi và Trần Lãng Minh đã đạt được thành công cả về nội dung lẫn hình thức và sự dàn dựng tổ chức. Chỉ với hai người nghệ sĩ nhiệt thành, đầy tâm huyết với nghệ thuật âm nhạc truyền thống như Nga Mi và Trần Lãng Minh, hàng trăm nghệ sĩ nam nữ và những người yêu nghệ thuật đã hết lòng đóng góp và hỗ trợ vào việc làm đầy ý nghĩa này. Vũ sư Vũ Ðình Luân và ban vũ Lạc Hồng đã trổ hết tài nghệ và khả năng không thua bất cứ một đoàn vũ danh tiếng nào nên các màn ca vũ tân cũng như cổ đều được khán thính giả nhiệt liệt tán thưởng.

Với ý nguyện làm nghệ thuật văn hóa cổ truyền dân tộc mà không chủ trương thương mại nên “có lỗ chút đỉnh” nhưng Trần Lãng Minh vẫn cho chúng tôi biết “sẽ còn tiếp tục con đường nghệ thuật về nguồn này để trao gởi cả một kho tàng văn hóa của dân tộc cho khán thính giả”.

Hy vọng những chương trình tới Nga Mi và Trần Lãng Minh sẽ lại “Mở Hội Cung Ðình Cố Ðô Huế” và rồi “Mở Hội Dựng Nước Phương Nam” với những làn điệu dân ca hò Huế, tuồng chèo Bình Thuận, dân ca Chàm và ca cổ tuồng tích cải lương Nam phần...

Cũng ước mong sẽ có nhiều đôi vai mạnh thường quân tới gánh vác cùng với cặp nghệ sĩ này bởi vì “có thực mới vực được đạo”. Những chương trình văn nghệ hoành tráng đầy ý nghĩa như thế này đòi hỏi những chi phí lớn lao cũng như những nghệ sĩ tài năng có hạng đóng góp vào. Mà sự đóng góp của nghệ sĩ vào những công cuộc ý nghĩa như thế cần phải được cộng đồng chúng ta bồi hoàn xứng đáng. (N.H.)

Publié dans Tiêng Viêt

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article